Skip to main content

Bức tranh Cồn Én trong đời sống hiện nay

Nằm cách trụ sở UBND xã Tấn Mỹ khoảng chừng 5 km, bằng một chuyến đò sang sông chúng tôi đã đến được cồn Én thuộc ấp Tấn Long, xã Tấn Mỹ. Đến với cồn Én ngày hôm nay, chúng tôi mới thấy được hết sự “thay da đổi thịt” của một vùng quê đang từng ngày phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

Cồn Én được bao bọc bởi con sông Tiền hiền hòa và êm diệu, có diện tích tự nhiên 310 ha với 2.266 nhân khẩu đang sinh sống, nối liền khóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp bằng một cây cầu bê tông, nơi đây phù sa bồi đắp quanh năm, đất đai màu mỡ, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp trong đó hai cây trồng chủ đạo là Xoài và Ớt.

t

Do là vùng nằm ngoài đê bao, trước đây bà con ở cồn Én chủ yếu canh tác trồng lúa, rau màu các loại, vườn tạp và một số ít chăn nuôi nhỏ, có năm còn lỗ do bị ngập úng nên cuộc sống người dân nơi đây gặp muông vàng khó khăn, có những hộ phải bỏ địa phương đi làm ăn xa để sinh sống. Nhưng những năm gần đây, thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước người dân nơi đây, bắt đầu cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hợp lý, đất trồng lúa kém hiệu quả dần chuyển sang trồng hết cây ăn trái chủ yếu là cây xoài, còn màu thì tập trung vào cây Ớt. Từ đó, đời sống của người dân trong ấp ngày càng thêm khởi sắc, bộ mặt nông thôn được nâng lên rõ rệt, nhà nhà, người người ai nấy cũng đều vui mừng rạng rở.

Trải qua thời gian gần 66 năm gắn bó với vùng đất cồn Én này ông Nguyễn Văn Chang – rất phấn khởi khi từng ngày chứng kiến sự đổi thay nơi đây, vừa trò chuyện với chúng tôi ông vừa chỉ tay ra trước cửa nhà và nói: “Hồi trước khi nước lên, lũ ngập coi như người dân rất khó đi, ghe, xuồng có thể bơi trên mặt đường, thì hôm nay ấp mình rất là phát triển, nhà đông đúc, nhà đúc thì nhiều chứ giờ không còn nhà tre lá nữa đường xá được cải tiến lại, đường hiện giờ là đường bê tông rất là tốt. Mong rằng sau này mình có thể phát triển thêm”.

t

Thời gian qua, nhờ hực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương đời sống người dân từng bước được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 hiện còn 08 hộ giảm 02 hộ so với năm 2022, đường giao thông Nông thôn được bê tông hóa với chiều dài 3,2km. Và mới nhất trong năm 2023 từ nguồn đóng góp của người dân Ban nhân ấp tiến hành đổ đá đoạn từ Nhà Thờ đến đuôi Cồn chiều dài 1 km, với số tiền trên 24 triệu đồng.....Các công trình dân sinh phục đời sống người dân như: điện, đường, trường học, nước sạch vệ sinh môi trường…đều được phủ khắp toàn ấp, qua đó làm cho diện mạo nông thôn ngày càng thêm khởi sắc, khang trang, sạch đẹp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân xứ cồn Én.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban nhân dân ấp Tấn Long thông tin thêm:Trước đây đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn. Sau khi cùng với Chính quyền địa phương xây dựng NTM, NTM nâng cao bộ mặt của ấp dần dần đổi thay, kết cấu hạ tầng trên địa bàn ấp được đầu tư khá đồng bộ, đường sá ngày càng mở rộng và khang trang hơn trước, những ngôi nhà ngói không ngừng mọc lên hai bên đường. Tình hình quốc phòng an ninh từng bước ổn định, người dân chí thú làm ăn, cuộc sống của họ từ đó được nâng lên và cải thiện rõ rệt”.

Tấn Long
Nguồn Sưu tầm

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp Ban nhân dân ấp thường xuyên kết hợp với ban nông nghiệp xã giới thiệu nhiều công ty chuyên kinh doanh về vật tư nông nghiệp đến cồn Én, qua đó đã tổ chức được 06 cuộc hội thảo với trên 150 lượt người tham gia, nhằm chia sẻ với bà con nông dân kinh nghiệm sản xuất, đồng thời ấp còn tổ chức tập huấn chăn nuôi bò, các lớp chuyển giao kỹ thuật khoa học - công nghệ và giới thiệu những giống cây trồng mới có hiệu quả, những mô hình hay, cho bà con nhân dân để áp dụng vào trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra Ban nhân dân ấp còn tạo điều kiện cho người dân vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình….từ đó thu nhập của người dân cũng dần được cải thiện. Điển hình như, từ năm 2023 người dân nơi đây rất vui mừng khi được công ty Cẩm Long, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp ký hợp đồng bao tiêu thụ Ớt với giá bán 25.000 đồng/kg.

Nhìn những vườn xoài, ruộng Ớt đang trĩu quả, cùng với đó là không khí mua bán tại chợ, lúc nào cũng diễn ra tấp nập, nhộn nhịp. Chỉ bấy nhiêu đó thôi đã cho thấy sự thay đổi lớn đối với người dân xứ cồn Én. Nhưng có lẽ thay đổi rõ nét nhất đối với người dân nơi đây là khu du lịch sinh thái cồn Én chính thức đi vào hoạt động từ năm 2023 và cũng kể từ đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây. Trong gần một năm qua, cồn Én đã đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài địa phương đến đây tham quan, du lịch. Qua đó góp phần giúp cho bà con nơi đây có thêm nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

t

Chị Phạm Thị Triều – người dân bán quán nước giải khác ngay trước cửa khu du lịch sinh thái cồn Én vui vẻ trò chuyện với chúng tôi: “Từ khi khu du lịch này hoạt động đến nay người dân ở đây buôn bán rất là được, khách cũng thường xuyên đến tham quan, đặt biệt là vào ngày thứ 7 và chủ nhật rất đông đúc và nhôn nhịp. Cuộc sống người dân xung quanh khu du lịch này phát triển rất tốt”.

Ngày nay, người dân ở cồn Én đã có cuộc sống ổn định hơn, sung túc hơn. Họ đã có nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi. Con em được học hành đầy đủ. Người dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội ở địa phương. Đây là một minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân trên vùng đất Cù Lao Giêng này./.

Thanh Phong