Skip to main content

Cù Lao Giêng – điểm đến mơ ước đối với du khách

Ngày nay cái tên “Cù Lao Giêng” ngày càng thân thiện và được nhiều người biết đến. Nơi đây, nhiều người còn nói vui rằng là “đệ nhất Cù Lao” với nhiều quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của người việt vùng sông nước Nam Bộ và nhiều khu sinh thái. Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, gồm 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, nằm giữa sông Tiền, một nhánh của sông Mê kông, có chiều dài 12 km và chiều rộng 7 km. Đến với Cù Lao Giêng mà đặt biệt là xã Tấn Mỹ du khách “đừng quên” ghé tham quan một số điểm du lịch đang trên đà phát triển như: Nhà thờ Cù Lao Giêng; khu du lịch Cồn Én Tấn Long và điểm du lịch sinh thái Út Hùm.....

Nhà thờ Cù Lao Giêng
                                                                                          Nhà thờ Cù Lao Giêng
 

Điểm đến đầu tiên mà chúng tôi muốn giới thiệu cho các bạn đó là Nhà thờ Cù Lao Giêng – tọa lạc tại ấp Tấn Bình. Qua cầu Tấn Mỹ - Mỹ Luông chạy dọc theo tuyến đường trục lộ chính của xã hướng về Chùa Đạo Nằm còn có tên gọi khác là chùa Thành Hoa khách tham quan có thể dễ dàng bắt gặp Nhà thờ Cù Lao Giêng, đây được xem là công trình kiến trúc cổ kiểu Pháp được khởi công xây dựng vào năm 1875, khánh thành trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, có sức chứa khoảng 300 người. Phần lớn vật liệu xây dựng nhà thờ được mang từ Pháp sang. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách Romane, một loại hình kiến trúc phổ biến ở các nước phương Tây, chủ yếu là Trung Âu và Tây Âu. Kết cấu sử dụng nhiều cuốn nửa trụ, vòm nôi và vòm bán cầu, tháp chuông cao vút trông rất uy nghi, tráng lệ; các trụ cột được thiết kế liên hoàn, kết hợp các ô gió và tháp nhỏ tạo nét cổ kính tuyệt đẹp. Trải qua 120 năm lịch sử nhà thờ vẫn tồn tại nguyên vẹn và là một trong những nhà thờ đẹp, lâu đời và xưa nhất Việt Nam.

Nhà thờ Cù Lao Giêng
                                                                                        Tu viện Phanxico
Nhà thờ Cù Lao Giêng
                                                                                Tu viện Chúa Quan Phòng
 

Với những dòng kiến trúc cổ có từ lâu đời, các cơ sở tôn giáo, các địa danh lịch sử cách mạng như: Tu viện PhanXiCô, Tu viện Chúa Quan Phòng, Chùa Thành Hoa, di tích lịch sử Cách mạng Cột Dây Thép.....cùng với tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn sông nước sẵn có là một điều kiện thuận lợi cho Tấn Mỹ trong phát triển du lịch vừa mang sắc thái tâm linh tín ngưỡng, vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghĩ dưỡng cho du khách khi đến tham quan. Sau khi UBND xã tổ chức thành công lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch ba xã Cù Lao Giêng giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vào ngày 28/02/2018. Trên cơ sở đó UBND huyện, xã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào đây để phát triển du lịch, trong đó Công ty TNHH MTV Dương Khang đang đầu tư phát triển du lịch tại Cồn Én ấp Tấn Long với các hạng mục đang xây dựng như: bãi tắm nhân tạo; khu vui chơi giải trí; xây dựng khu nghỉ dưỡng với tiêu chuẩn khách sạn; con đường hoa lan…có tổng diện tích 5,6 ha, kinh phí đầu tư hơn 30 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2021, đặt biệt khi du khách đến đây sẽ có dịp chiêm ngưỡng bức tranh đồng quê Việt Nam được làm bằng gỗ dài 24,5 m đạt kỷ lục guinness trên bức tranh bằng gỗ tái hiện lại một số cảnh hoạt động của người dân Việt Nam trước đây. Song song đó, dự án du lịch cồn Tấn Thuận do công ty cổ phần Mekolor: đại diện cho 12 nhà đầu tư đã và đang triển khai đăng ký thực hiện 02 dự án gồm các hạng mục như: khu du lịch nghĩ dưỡng, vui chơi giải trí, cáp treo, trò chơi mặt nước và chợ nổi trên sông “Cù Lao Giêng – Xứ sở thần tiên” tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 500 tỷ đồng, với diện tích khoảng trên 94 ha trong đó diện tích mặt đất trên 73 ha và diện tích mặt nước 21 ha. Có thể nói khi 01 trong 02 điểm du lịch nói trên chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH mà nhất là mảng du lịch địa phương.

Bãi tắm Cồn Én
                                                                                    Khu du lịch sinh thái Cồn Én
 

Anh Trần Thanh Hùng – Người dân ấp Tấn Long phấn khởi cho chúng tôi biết: “Khi mà khách du lịch đến đây để tham quan, khách du lịch sẽ về địa phương, người ta sẽ quảng bá thêm cho những bà con với những người khác để cho đến đây tham quan một ngày một đông hơn để cho mảng du lịch của xã Tấn Mỹ mình đông khách du lịch đến đây để vui chơi để tham quan”.

Rời khu du lịch Cồn Én ấp Tấn Long chúng tôi có dịp ghé thăm điểm du lịch sinh thái Út Hùm tọa lạc tại ấp Tấn Phước cách trụ sở UBND xã khoảng chừng 800m. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi vừa đặt chân đến nơi này đó là sự mến khách của chú Nguyễn Văn Hùm – chủ điểm du lịch sinh thái, không khí ở đây thoáng mát, trong lành với nhiều canh xanh bao bọc ở xung quanh. Tiếp chuyện với chúng tôi xong, Chú dẫn chúng tôi đi tham quan khắp điểm du lịch rộng chừng 3.000 m2  nhưng đây đủ các tiện nghi như: 04 home stay mỗi phòng 02 người cho du khách nghĩ lại qua đêm; lều, trại phục vụ ăn uống cho du  khách, nhà vệ sinh công cộng, bàn ghế…đều làm bằng tre, lá và gỗ, trong đó nổi bật nhất là hàng dừa dứa thẳng hàng dẫn vào lối đi vườn nhà Chú. Chỉ với 20.000 đồng tiền vé vào cổng du khách có thể tham quan vườn, ăn trái cây (chủ yếu xoài), tham gia các trò chơi nhân gian như: cầu treo, cầu dây, cáp treo thủ công, bơi xuồng, xe đạp nước….Một điều thú vị mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây đó là được thưởng thức các món ăn mang đậm chất đồng quê như: Bánh xèo, bông điên điển xào tép, chuột đồng nướng, cá lóc kho tiêu….do chính đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây trổ tài nấu nướng.

Vườn sinh thái cù lao giêng
                                                                            Vườn sinh thái cù lao giêng
 

Tại đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với chú Nguyễn Văn Hùm - chủ điểm du lịch sinh thái nói trên, Chú chia sẻ:“Nắm bắt được tình hình là Quyết định mà phát triển du lịch 03 xã Cù Lao, từ đó mình có ý tưởng là mình cải tạo lại cái vườn sẵng có của mình và mình chỉ thêm một số hạng mục để phát triển thành du lịch miệt vườn để mà phục vụ cho du khách nghỉ ngơi, hưởng cảnh thiên nhiên đồng quê, sông nước ở đây để người ta trải nghiệm cuộc sống, người ta biết được nét văn hóa của địa phương vùng miền của mình thì từ đó người ta cũng cảm thấy hài lòng, vui”.

Song song với sự phát triển các điểm du lịch nói trên, UBND xã Tấn Mỹ còn quy hoạch khoảng 30 ha đất vườn sinh thái ở phía sau nhà thờ Cù Lao Giêng để lập nên các khu ẩm thực, vườn sinh thái, đờn ca tài tử; 10 ha đất ấp Tấn Phú, Tấn Hưng để làm điểm phát triển mô hình nông nghiệp khách du lịch cùng nông dân trải nghiệm......góp phần tạo cho khách du lịch khi đến đây vừa có thể nghỉ dưỡng, vừa có thể tham quan cảnh thiên nhiên, giao lưu văn hóa văn nghệ mang đậm nét riêng biệt của Tấn Mỹ của một vùng quê đang từng ngày đổi thay và phát triển.

Vườn sinh thái Tấn Mỹ

Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thị Hạnh Trinh – PCT. UBND xã cho biết: “Có thể nói du lịch trên địa bàn xã Tấn Mỹ hiện nay thì đang từng bước phát triển. Bên cạnh việc kêu gọi các nhà đầu tư vào đây để phát triển du lịch thì chính quyền địa phương còn chủ động khuyến khích người dân trên địa bàn xã mạnh dạn cải tạo vườn kết hợp làm du lịch sinh thái để phục vụ du khách. Tới đây khi cầu tàu được xây dựng cũng như khu du lịch Cồn Én Tấn Long chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và tôi tin rằng với sự giúp đỡ của các ngành cấp trên, sự nổ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp chắc chắn du lịch Tấn Mỹ sẽ còn phát triển đáng kể hơn nữa trong vài năm tới”.

Du lịch tâm linh
                                                                              Chùa Thành Hoa Tự (Chùa Đạo nằm)

Cùng lợi thế tiềm năng du lịch sẵn có, chúng tôi tin rằng du lịch Tấn Mỹ sẽ có những bước đột phá đáng kể trong việc phát triển du lịch sinh thái tâm linh và là điểm đến không thể bỏ qua đối với mọi du khách trong và ngoài địa phương./.

Thanh Phong