Skip to main content

Hai làng nghề truyền thống có bước phát triển đột phá

Mã QR là một công nghệ mã vạch hai chiều có thể được quét bằng điện thoại thông minh để truy cập thông tin trực tuyến. Khi áp dụng mã QR cho 02 làng nghề Mộc và đan giỏ Nylon các nhà sản xuất có thể cung cấp cho khách hàng thông tin chi tiết về sản phẩm, quy trình sản xuất, giá cả, địa chỉ liên hệ và nhiều thông tin hữu ích khác.

 

Theo thông tin mà chúng tôi ghi nhận được, làng nghề Mộc và chạm khắc gỗ được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2006 với những sản phẩm nổi tiếng được bày bán rất phong phú, đa dạng như: tủ áo, tủ thờ, tủ ly, giường ngủ, bàn, ghế...với kiểu dáng đẹp, trang nhã, sang trọng mà không cầu kỳ. Làng nghề Đan Giỏ Nylon đã xuất hiện trên địa bàn xã Tấn Mỹ cách đây trên 30 năm và cũng được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2014. Mỗi năm 02 làng nghề này giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động ở nông thôn với mức thu nhập trung bình từ 03 đến 08 triệu đồng/người/tháng tuỳ từng thời điểm. Hiện tại, nghề Mộc có hơn 50 cơ sở Mộc, kinh doanh gỗ và nghề Đan Giỏ Nylon có khoảng 10 cơ sở sản xuất với 350 hộ tham gia. 

Để góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao giá trị sản phẩm của 02 làng nghề, UBND xã Tấn Mỹ phối hợp với 02 làng nghề tạo mã QR cho 02 sản phẩm, từ đó để người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin, đánh giá chất lượng sản phẩm, thông tin chi tiết về sản phẩm, quy trình sản xuất, giá cả cũng như tìm kiếm những sản phẩm chất lượng phù hợp với người tiêu dùng. Khi quét mã QR người tiêu dùng có thể dễ dàng theo dõi nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất cũng như phân biệt được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Từ đó, tạo dựng được niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm của 02 làng nghề.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn – người dân ấp Tấn Quới thông tin: “Khi mình muốn tìm thông tin sản phẩm nào đó về làng nghề  Mộc và Đan Giỏ Nylon của xã Tấn Mỹ thì mình dùng chiếc điện thoại thông minh có mạng internet thì mình quét mã QR được gắn lên sản phẩm hoặc trên trang điện tử của xã Tấn Mỹ. Lúc đó mình sẽ thấy được những thông tin cần tìm của sản phẩm cũng như chủng loại, từ đó mình có thể lựa chọn nhửng sản phẩm mà mình ưng ý và phù hợp với nhu cầu của mình. Qua đó, tôi cũng mong muốn ở địa phương ngày càng có nhiều sản phẩm đặt trưng được gắn mã QR, để quảng bá, phát triển những sản phẩm của xã Tấn Mỹ trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, khi quét mã QR vào 02 sản phẩm làng nghề truyền thống ở địa phương khách hàng còn có thể biết thêm về lịch sử, văn hóa và truyền thống của làng nghề Mộc, đan giỏ Nylon. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa của 02 làng nghề truyền thống ở địa phương.

Có thể nói, việc mã QR cho 02 sản phẩm làng nghề ở địa phương được xem là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự thay đổi của 02 làng nghề truyền thống có trên hàng chục năm tuổi ở địa phương. Mỗi phẩm đều có thông số kỹ thuật riêng, địa chỉ riêng, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, trao đổi thông tin, mua bán sản phẩm một cách tiện lợi, dễ dàng. 

Hiệu quả bước đầu của việc ứng dụng mã QR đã giúp cho 02 làng nghề truyền thống luôn duy trì, kết nối với nhiều khách hàng hiện tại và cả những khách hàng tiềm năng mà họ chưa hề gặp mặt, quen biết. Tuy nhiên, bên cạnh sự nổ lực, có gắng của 02 làng nghề Mộc và Đan giỏ Nylon thì 2 làng nghề truyền thống này cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện của các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách bài bản, chỉnh chu có như thế sản phẩm của 02 làng nghề này mới được nhiều người biết đến và tiếp cận một cách rộng rãi trong thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi bà Phạm Thị Hạnh Trinh – PCT. UBND xã cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Chợ Mới về việc tạo mã QR cho các làng nghề truyền thống ở địa phương. UBND xã đã khẩn trương chỉ đạo bộ phận chuyên môn tập trung thực hiện ngay việc xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin liên quan đến 02 làng nghề truyền thống ở địa phương là Mộc và Đan giỏ Nylon để người dân tiện theo dõi và truy cập thông tin một cách dễ dàng. Đồng thời, UBND xã còn xây dựng hệ thống phần mềm tạo mã QR để làm sao đảm bảo thông tin được đăng tải lên luôn chính thống, kịp thời và an toàn đối với mọi người. Và chúng tôi tin tưởng rằng, khi có mã QR này sản phẩm của 02 làng nghề truyền thống này sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người trong và ngoài địa phương. Qua đó, góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân tham gia 02 làng nghề trong thời gian tới”.

Qua đây, có thể thấy việc triển khai và tạo mã QR cho 02 làng nghề truyền thống ở địa phương không chỉ cung cấp thông tin hữu ích, thuận tiện cho người dân trong và ngoài địa phương mà “nó” còn là điểm nhấn của xã trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, điều đó hoàn toàn phù hợp với xu thế ứng dụng chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay./.

Thanh Phong