Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Xác định công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là nền tảng, tiền đề để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển KT – XH ở địa phương. Thời gian qua, được sự tạo điều kiện thuận lợi của Chính quyền địa phương tình hình hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Tấn Mỹ từng bước phát triển, đi vào ổn định, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở địa phương.
Theo số liệu báo cáo từ UBND xã cho biết, hiện toàn xã có 14 doanh nghiệp, 142 cơ sở sản xuất kinh doanh và 02 làng nghề truyền thống là Mộc gia dụng và đan giỏ nylon. Các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh mẽ ở địa phương thời gian qua gồm 02 ngành nghề chính đó là Mộc gia dụng và đan giỏ nylon với các sản phẩm chất lượng được thị trường đánh giá cao như: nghề làm đồ gỗ, tủ, bàn ghế, đan giỏ xách….Để nâng cao, nâng suất chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị vào các khâu sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đồng thời các chủ cơ sơ công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp luôn được Chính quyền địa phương, các ngành chức năng tạo nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay, các chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định.
Đến thăm chủ cơ sở sản xuất tủ, bàn ghế của anh Huỳnh Văn Sang - ấp Tấn Thạnh, anh đang bận rộn cùng với nhóm thợ làm gấp đơn hàng để kịp giao cho khách, anh chia sẻ: “Vừa qua được chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ cho tôi vay một số vốn để phát triển cơ sở. Tôi vay khoảng được 03 lần, mỗi lần được 20 triệu đồng để kinh doanh phát triển thêm. Tới đây, tôi sẽ tập trung phát triển thêm một số mẫu mã mới để từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường ở một số tỉnh thành trong và ngoài tỉnh”.
Riêng nghề Mộc ở địa phương hiện tại có 46 cơ sở, thu nhập trung bình mỗi cơ sở trên 10 triệu đồng một tháng, nghề Mộc hiện thu hút khoảng gần 200 lao động với mức thu nhập bình quân từ 06 đến 08 triệu đồng/người/tháng, những sản phẩm từ nghề mộc ở Tấn Mỹ không chỉ đa dạng về chủng loại, mẫu mã mà giá cả phải chăng, chất lượng ngày càng đảm bảo hơn.
Bên cạnh nghề Mộc gia dụng, Tấn Mỹ còn có nghề đan giỏ nylon. Đến nay, nghề này đã tạo việc làm và nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở địa phương. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 12 cơ sở đan giỏ nylon, thu hút trên 700 lao động nhàn rỗi, với mức thu nhập trung bình từ 02 đến 05 triệu đồng/người/tháng.
Cô Bùi Thị Thanh Xuân - ấp Tấn Thạnh, một trong những hộ làm nghề đan giỏ nylon lâu năm cho biết: Cô đan giỏ xách năm nay nữa hai mươi mấy năm rồi. Một cái vậy có khi năm ngàn, có khi bảy ngàn cũng hỏng chừng, tùy theo người ta giao dây đó, rồi đan ngày có khi 4 cái, 3 cái, 5 cái cũng hỏng chừng. Nếu mà đưa giỏ mình tranh thủ đan có khi 7 - 8 trăm cũng hỏng chừng. Lúc trước đan nhiều tiền giữ lắm, như giờ mình ngày càng lớn tuổi, đan thu nhập ít, mình làm mình kiếm thêm thu nhập vậy đó”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, phát triển của địa phương; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; quy mô, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự liên kết; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở 02 làng nghề mới phát triển theo chiều rộng, chưa có chiều sâu để nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu; việc phát triển ngành nghề mới còn hạn chế. Trên cơ sở những hạn chế nhìn thấy được, thời gian tới UBND xã đã đề ra nhiều giải pháp, kế hoạch để góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương
Bà Phạm Thị Hạnh Trinh – PCT. UBND xã cho chúng tôi biết: “Để tiếp tục phát huy những thế mạnh của địa phương trong việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thời gian tới, UBND xã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động người dân mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên Thị trường. Để ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương từng bước tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Bên cạnh đó, UBND xã còn phối hợp với ngành liên quan thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề để nâng cao năng lực tay nghề, khôi phục, giữ vững và phát triển các nghành nghề truyền thống, các nghành nghề địa phương có lợi thế về nguyên liệu, lao động, các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương”.
Có thể nói, hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Tấn Mỹ đã và đang có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT – XH của địa phương. Đồng thời, với sự quan tâm, chỉ đạo, kịp thời của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Tấn Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới./.
Thanh Phong