Skip to main content

Trồng rau nhút Cồn Én “hái” ra tiền vào mùa nước nổi

Mùa nước nổi năm nay, người dân Cồn Én ấp Tấn Long, xã Tấn Mỹ không ngồi nhìn con nước lên mà họ tận dụng đất bãi bồi ven sông để trồng rau nhút. Đây được xem mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho nhiều hộ gia đình ở Cồn Én cải thiện đáng kể cuộc sống của họ vào mỗi mùa nước lên.

Chú Nguyễn Văn Triêm – Chi Hội trưởng Hội Nông dân ấp Tấn Long cho biết: “Một số hộ người ta có đầu đất ở bờ sông dưới mặt nước, bỏ không cũng không làm gì. Mùa nước lên người ta tận dụng trồng rau nhút kiếm thêm thu nhập để tạo ổn định cuộc sống gia đình. Từ đó, họ có thêm tiền sắm sửa đồ đạc trong nhà này kia hoặc có thêm chi phí tới mùa khô để xuống giống tiếp. Con cháu được học hành đến nơi, đến chốn cũng nhờ trồng ba rau nhút mùa nước lên này”.

Mùa nước nổi, Cồn Én được ví như là một hòn đảo nhỏ xinh đẹp, nổi bồng bềnh giữa mênh mông biển nước. Đặt chân đến Cồn Én vào những ngày này chúng ta không khó bắt gặp những hình ảnh bông hoa vàng, trắng nở rộ khắp mặt nước trên đất bãi bồi ven sông cùng với đó là những vườn xoài xanh bát ngát đang chuẩn bị trổ bông. Đặc biệt, là những mảng rau nhút xanh mơn mởn đang nhấp nhô, nổi bồng bềnh trên mặt nước.

Rau nhút là loại lá nhỏ, thân mềm, phát triển nhanh, thuộc loài thủy sinh dùng nhúng lẩu, nấu canh chua hay ăn sống với mắm kho, cá kho đều rất ngon. Vị dân dã, tự nhiên của rau nhút khiến nhiều người ăn phải phát ghiền. Cũng chính vì lẽ đó, trong vài năm trở lại đây thấy nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn nhiều hộ dân cặp bãi bồi ven sông đã tận dụng mùa nước lên gieo trồng rau nhút với diện tích khoảng gần 200 công để gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình vào mỗi mùa nước lên.

Anh Nguyễn Phước Pha – người có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng rau nhút trên đất bãi bồi ven sông ở Cồn Én chia sẻ: “Lúc mình mới trồng nếu như thuận thời tiết thì có thể nửa tháng mình thu hoạch, thu hoạch xong bắt đầu mình xịt thuốc men này kia thì cỡ 10 ngày sau mình cắt tiếp được. Ví dụ 1 công mình bỏ tiền cắt, chi phí phân thuốc và tiền nhân công này kia có thể 1 công mình kiếm được khoảng vài triệu”.

Cũng giống như anh Pha, anh Trần Minh Tâm cũng tận dụng diện tích mùa nước lên ở đất bãi bồi ven sông, đã mạnh dạn trồng số lượng lớn rau nhút để cải thiện cuộc sống gia đình, anh thân tình nói với chúng tôi: “Một công mình cắt tầm khoảng 300 đến 400 kí/cử, mà cắt cử này tới cử kia khoảng 12 ngày. Thường giao dựa tầm khoảng 6 đến 8 ngàn đồng/kí, các vựa rau, củ, quả người ta đều lấy hết chủ yếu giao Chợ Mới, Chợ Thanh Bình, Chợ Bình Thành. Nói chung trồng rau nhút mùa nước lên cuộc sống gia đình tạm ổn hơn trồng Ớt, trồng này trồng kia, tại vì thời gian thu hoạch nó ngắn, lợi nhuận thì nó cao”.

Đến với Cồn Én vào những ngày này phóng viên chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh nhiều hộ dân đang rộn ràng tiếng cười, tiếng nói khi mùa rau nhút bắt đầu thu hoạch, người thì rửa rau nhút, người thì lặt rau nhút rồi rửa sạch, bó gọn cân bạn hàng cho kịp chuyến sáng nay. Rau nhút mùa nước nổi ở Cồn Én không chỉ góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình ở đây mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rõi nơi đây.

Cô Nguyễn Thị Nếu – người dân lặt rau nhút thuê ở Cồn Én được khoảng gần 07 năm, Cô bộc bạch, tâm sự với chúng tôi: “Khoảng 5 giờ rưỡi đến 06 giờ sáng mình lại tới đây rửa, bó rau nhút có khi được 100 ngàn, có khi  được 80, 90 ngàn. 100 kí vầy được 80 ngàn, có bữa hơn 100 ngàn, có bữa hụt 100 ngàn. Như rau nhút bữa nào chủ người ta cắt nhiều thì mình buộc hơi nhiều chút, bữa nào ít thì mình buộc hơi ít chút. Ngày mình làm buổi ah còn buổi chiều mình muốn mần gì thì mần”.

Với hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình trồng rau nhút mùa nước nổi của người dân ở Cồn Én mà đến nay nhiều hộ dân ở đây đã có nhà cửa khang trang, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng lên rõ rệt. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển KT – XH của người dân xứ Cồn Én nói riêng và địa phương nói chung./.

Thanh Phong